VINAGRI News - Đồng thời với vụ kiện tại Trung Quốc, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại nhiều nước khác. Tuy nhiên, một số công ty nước ngoài đã sở hữu bất hợp pháp thương hiệu này, việc khởi kiện và đăng ký bảo hộ đang gặp khó khăn về tài chính.
Cty XNK cà phê 2.9 là doanh nghiệp duy nhất XK cà phê với nhãn hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột”.
Không chỉ mất ở Trung Quốc
Ông Trịnh Đức Minh - Phó giám đốc Sở KHCN Đắc Lắc, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (BMT) - cho biết, trong vài ngày nữa, nếu Cty TNHH cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu (Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd) không khởi kiện ra tòa án, các phán quyết hủy bỏ nhãn hiệu cà phê BMT của DN này sẽ chính thức có hiệu lực.
Nhưng cũng theo ông Minh, tình hình đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cà phê BMT tại nhiều nước khác - được tiến hành đồng thời với vụ kiện - hiện gặp rất nhiều khó khăn. Thông qua Văn phòng Luật sư Phạm và liên danh (Hà Nội), hiệp hội đã nộp đơn đăng ký tại 15 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tùy luật pháp mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ, các dạng đăng ký bảo hộ là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, tên gọi xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý. Nhưng đến thời điểm này, mới có 4 quốc gia gồm Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg đồng ý bảo hộ độc quyền nhãn hiệu "Buon Ma Thuot Coffee", 3 nước đang xem xét (Pháp, Italia, Thái Lan).
Còn nhiều nước khác đã tạm thời từ chối đơn đăng ký, thậm chí đã từ chối lần 2, trong đó có lý do nhãn hiệu này đã được đăng ký trước. Đặc biệt tại Mỹ, Cty Rice Field Corporation (bang California) đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu "Cafe Ban Me Thuot" vào ngày 4.8.2003.
Tại Canada, cà phê nhãn hiệu "Buonmathuot" cũng được "ông lớn" Starbucks Corporation đăng ký từ năm 1998. Còn tại Hàn Quốc, một chủ nhân tên Lee Mi Hyang cũng đã đăng ký nhãn hiệu “Buon” cho nhóm 30 (sản phẩm cà phê) và được cấp bằng ngày 6.1.2005. Như vậy, nhãn hiệu cà phê BMT không chỉ bị mất tại Trung Quốc và đây cũng là nguyên nhân cản trở Việt Nam đăng ký bảo hộ tại nhiều nước khác.
Chưa cộng đồng trách nhiệm
Hiệp hội Cà phê BMT cho rằng, có thể khởi kiện các tổ chức, cá nhân đã đăng ký nhãn hiệu có từ “Buon”, “buon café” hoặc “Buon Ma Thuot” cho sản phẩm cà phê ở Mỹ, Canada, Hàn Quốc tại tòa án các nước này. Nhưng hiệp hội không có kinh phí, ngân sách có hạn, DN cũng chưa chung tay bảo vệ thương hiệu. Đến nay ngân sách tỉnh Đắc Lắc mới cấp được 570 triệu đồng, Cty CP cà phê Trung Nguyên ủng hộ 150 triệu đồng, Hiệp hội Cà phê - Cacao 100 triệu đồng và... hết.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhãn hiệu cà phê BMT cũng chưa được các DN đầu tư, khai thác đúng mức. Trong số 11 DN được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cà phê BMT, hiện chỉ có Cty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắc Lắc xuất khẩu cà phê nhân với nhãn hiệu này, Cty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi (Đắc Lắc) đang đàm phán với đối tác Nhật Bản và in sẵn bao bì.
Trong khi đó, sản phẩm có nhãn hiệu cà phê BMT luôn được xuất khẩu với giá cao hơn từ 50-60USD/tấn so với cà phê nhân bình thường. Do chưa đầu tư khai thác, chưa thu được lợi nhuận nên các DN không mặn mà đóng góp kinh phí để bảo vệ, phát huy giá trị thương hiệu cà phê BMT.
Đặng Trung Kiên/ Báo Lao Động
Đăng nhận xét